Tin Thể thao

Sống lại mốc son chói lọi "Ngày Độc lập 2 - 9”

Lễ khai mạc Trưng bày Chuyên đề “Ngày Độc lập 2 - 9” đã được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội với sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
10:26 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Tám, 2020
Trưng bày Chuyên đề “Ngày Độc lập 2 - 9” là hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2020). Tiếp tục khẳng định Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham dự lễ cắt băng khai mạc Trưng bày Chuyên đề "Ngày Độc lập 2 - 9)

Phát biểu khai mạc Trưng bày Chuyên đề “Ngày Độc lập 2 - 9”, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh: Cách đây vừa tròn 75 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết đứng dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Việt Nam từ xứ thuộc địa, nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập, tự do, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Những ngày Tháng Tám năm 1945 hào hùng mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, để lại bài học vô cùng quý giá đối với cách mạng Việt Nam. Tiếp nối truyền thống yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Trưng bày Chuyên đề “Ngày Độc lập 2 - 9” và thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng mong muốn góp phần giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do… để từ đó góp sức mình vào vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trưng bày được tổ chức từ ngày 18/8/2020 đến hết tháng 12/2020.

Trưng bày với hơn 150 tài liệu, hiện vật và những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử thể hiện qua hai chủ đề: Chủ đề 1: Sức mạnh dân tộc (những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu gồm: nghị quyết, chỉ thị, sưu tập báo chí, truyền đơn, vũ khí, cờ… thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, hết thảy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp; tất cả đã đoàn kết một lòng, tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công). Trong đó phải kể đến như: tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, tháng 5/1941; Bức ảnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 28/1/1941; Hình ảnh thân thuộc, bình dị Lán Khuổi Nậm, Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; Bản trích Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8/1945; Bộ sưu tập những hình ảnh Khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, tháng 8/1945... Đặc biệt là những hình ảnh quý hiếm như hình ảnh Chi đội 4 Giải phóng quân tiến vào Hà Nội trong ngày Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945; Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt, kiểm tra đơn vị giải phóng quân, chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 26/8/1945.

Chủ đề 2 "Ngày độc lập 2-9", giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện ngày 2/9/1945 và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bên cạnh những hình ảnh đã quen thuộc với công chúng như: Bản Tuyên ngôn độc lập; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập"; bộ quần áo kaki, một trong những bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong những ngày đầu cách mạng sau khi giành được chính quyền… nhiều hình ảnh mới cũng được đưa ra giới thiệu tại Trưng bày lần này như micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945; Sổ tay ghi công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi công việc hàng ngày của Người từ 2/9/1945 đến 17/10/1945 (bản viết tay); Sổ ghi thông tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi những thông tin chi tiết, năm 1945. Những hình ảnh, hiện vật của đất nước Việt Nam khi mới thành lập như: Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946; Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 (Bản viết tay năm 1994, có chữ ký của tác giả); Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được phát hành và lưu thông để khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính của nhà nước Việt Nam độc lập.

Ngày Độc lập 2 - 9 còn được tái hiện qua ký ức, câu chuyện kể của một số nhân chứng lịch sử cũng được giới thiệu trong trưng bày lần này. Đó là những câu chuyện kể của ông Phạm Hồng Cư, sinh năm 1926 - Đội viên Trung đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 và bà Lê Thi sinh năm 1926, người kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Cũng tại buổi lễ Khai mạc Trưng bày Chuyên đề "Ngày Độc lập 2 - 9", Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Nguyễn Thị Thu Hoan đã tiếp nhận hiện vật do hai cá nhân, cộng tác viên trao tặng cho Bảo tàng gồm: hai phù điêu, một huy chương Hồ Chí Minh, một nồi áp suất và một phíc đá được sử dụng trong thời bao cấp.